Sài Gòn - Nét đẹp văn hóa bất biến cùng thời gian

11/10/2019 588 Lượt xem

 “Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca. Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa. Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”

Không chỉ là cái tinh thần “hào sảng”, mà nếu được nói chuyện với một người Sài Gòn gốc, bạn sẽ càng hiểu rõ hơn về những nét văn hóa đặc sắc đã tồn tại từ rất lâu đời được chính người Sài Gòn giữ gìn và trân quý cho đến tận ngày hôm nay.

Đặc biệt, nếu có cơ hội hãy tìm gặp một người Sài Gòn sinh vào những năm 60-70, họ đã sinh ra trong cái bình dị của phố phường và lớn lên trong sự lạc quan, hào sảng không lẫn vào đâu được. Gặp và lắng nghe họ kể về những ký ức tuổi thơ của mình một cách tự hào, bạn sẽ biết được vẻ đẹp thực sự của Sài Gòn là gì.

Những nét văn hóa độc đáo dưới đây không có nhiều người biết, nhưng chắc chắn nếu bạn biết hết cả 6 điều thì một, bạn là người Sài Gòn gốc, hai, bạn là một người yêu Sài Gòn.

1. Phong cách sống

Họ sống đúng con người mình với khả năng cho phép của mình, không giả tạo, không đua đòi. Nhìn một người Sài Gòn, bạn sẽ khó có thể đoán được, người đó giàu hay nghèo; là trí thức hay kinh doanh; đang đi chơi hay đi làm… Người giàu có thể ngồi ăn trong một cửa tiệm không lấy gì sang trọng và người nghèo cũng tương tự cũng có thể ghé nhà hàng hạng sang để thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn.

2. Cà phê vợt

Đã từng rất phổ biến vào những năm 50 tại Sài Gòn nhưng cho đến nay, cà phê vợt chỉ còn lèo tèo vài quán cũ kỹ nằm tít trong các ngõ ngách. Đúng như cái tên của mình, loại cà phê này được pha bằng chiếc vợt, đun trong siêu nước lúc nào cũng được sôi sùng sục. Thưởng thức ly cà phê vợt sẽ nhận thấy vị thơm, ngon đặc trưng mà các kiểu pha khác không có được

3. Lon Ghi Gô

Lon ghi gô hay còn gọi là lon gô là một loại sữa hộp của Pháp rất phổ biến ở Sài Gòn từ trước cho đến hết năm 1975. Thời đó loại sữa này không hề rẻ so với các gia đình ở Sài Gòn nhưng lại rất được ưa chuộng. Rất nhiều người gốc Sài Gòn kể lại rằng loại sữa này gắn bó với tuổi thơ họ hệt như viên bi, con cá, cái kẹo. Sau khi uống hết sữa, lon ghi gô được các bà, các mẹ tận dụng để làm ống cắm đũa muỗng hay hộp đựng đồ ăn, lon đong gạo,… Cho đến bây giờ, nhiều gia đình Sài Gòn chính gốc vẫn còn xài lon ghi gô cũ trong đời sống thường ngày.

4. Cà rá

Nếu không phải người Sài Gòn gốc, chắc chắn bạn sẽ khó mà biết được ý nghĩa thực sự của từ này. Cà rá là một từ địa phương đặc trưng của Sài Gòn có nghĩa là “cái nhẫn”. Ngày nay, ít ai còn sử dụng từ này để chỉ cái nhẫn nữa mà người ta dùng từ này để chỉ một loại bu lông ốc vít trong xây dựng.

5. Bùng binh Cây Liễu

Bùng binh Cây Liễu (Bồn Kèn) là bùng binh đầu tiên của Việt Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Vào thời ấy, đây đã chính là con đường "Tây" với những hàng quán sang trọng, phục vụ nhiều loại hình văn nghệ cho người dân Sài Gòn. Năm 2015, đường Nguyễn Huệ được quy hoạch thành phố đi bộ, bùng binh Cây Liễu biến mất nhưng những ký ức về nó trong lòng người Sài Gòn vẫn chẳng thể nào phai nhạt được.

6. Văn hóa ẩm thực

Cuốn hút du khách và làm bất cứ ai cũng phải đắm chìm trong cảm xúc tuyệt vời, ẩm thực Sài Gòn tuy bình dị nhưng có sức mạnh lay động lòng người đến kinh ngạc. Phải nói là, không đâu khác ngoài Sài Gòn người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh quán xá với những gánh hàng rong nhiều đến như vậy. 

Đối tác